1. Hướng dẫn mới về ưu đãi thuế nhập khẩu

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP .

Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu như sau:

– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP .

– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.

Ngoài ra, Thông tư 83/2016/TT-BTC còn hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

  1. Giảm mức phạt tiền với hành vi làm mất hóa đơn

Theo quy định mới tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì hành vi làm mất hóa đơn sẽ chịu mức phạt tiền thấp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP (từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng). Cụ thể:

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu làm mất hóa đơn:

  •  Đã phát hành nhưng chưa lập;
  • Đã lập nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn;
  • Đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.

(Trừ trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền).

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí.

  1. Tạm giữ giấy tờ để bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 12/2016/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ và chỉ tạm giữ bản chính một trong các giấy tờ theo thứ tự sau đây cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt:

  • Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện;
  • Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp;
  • Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;
  • Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của máy trưởng;
  • Giấy tờ liên quan đến tang vật, phương tiện khác.
  1. Tăng thêm công việc phải nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động

Ngày 16/6/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục gồm 17 nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH .

Theo đó, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới được bổ sung như sau:

  • Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên;
  • Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền;
  • Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa;
  •  Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz.
  1. Chính thức áp dụng thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu

Ngày 18/7/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu là phôi thép (hợp kim và không hợp kim) và sản phẩm thép dài (hợp kim và không hợp kim) sẽ chính thức bị áp thuế tự vệ theo quy định sau:

  • Thời gian áp thuế là 04 năm kể từ ngày Quyết định 862/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực (ngày 22/3/2016);
  • Thuế tự vệ được áp dụng đối với tất các các quốc gia/vùng lãnh thổ, ngoài trừ:  Các nước đang phát triển, kém phát triển có lượng xuất khẩu vwo Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu; và Tổng nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.

 Xem chi tiết lộ trình áp thuế tự vệ tại Quyết định 2968/QĐ-BCT (có hiệu lực từ 02/8/2016).

  1. Hướng dẫn mới về hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất có hiệu lực từ ngày 08/8/2016.

Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý như sau:

  • Quy định các hoạt động thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất bao gồm các trường hợp đăng ký thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác;
  •  Văn phòng đăng ký đất đai không được sửa lại nội dung hợp đồng thế chấp nếu không thuộc trường hợp sai sót nêu tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;
  • Phan biệt rõ trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu;
  • Bổ sung thêm 02 phương thức đăng ký thế chấp QSDĐ bao gồm: gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến và gửi có đường bưu điện có bảo đảm.
  1. Thời hạn kiểm toán của Đoàn kiểm toán nhà nước

Quyết định 01/2016/QĐ-KTNN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 04/8/2016.

Theo đó, thời hạn kiểm toán là không quá 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm toán, trừ trường hợp:

  • Cuộc kiểm toán phức tạp, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn 01 lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày;
  • Cuộc kiếm toán nhằm đánh giá tình hình kinh tế, hiệu quả trong sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc và có địa điểm kiểm toán từ 02 tỉnh trở lên;
  • Cuộc kiểm toán gồm nhiều nội dung kiểm toán lồng geép, phối hợp trong 01 cuộc kiểm toán;

Ngoài ra, Quyết định còn quy định chi tiết về các trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán.

  1. Quy định mới về xuất nhập cảnh, cư trú ở khu kinh tế cửa khẩu

Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BCA-BQP (có hiệu lực từ ngày 08/8/2016) hướng dẫn việc xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại các khu kinh tế cửa khẩu.

Theo đó, trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu được quy định như sau:

  • Phải có một trong các giấy tờ dưới đây để được nhập cảnh:

       + Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hợp lệ còn thời hạn ít nhất 06 tháng;

       + Giấy thông hành biên giới hợp lệ và các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật phù hợp với điều ước     quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng còn thời hạn ít nhất 45 ngày.

  • Sau khi đã nhập cảnh được tạm try không quá 15 ngày;
  • Nếu có nhu cầu đi du lịch ra khi vực khác của Việt Nam, phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục xin cấp thị thực tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh nơi có khu kinh tế cửa khẩu.
Copyright © 2016 - giclaw.vn - All right reserved.